Bác sĩ Alexandre Yersin - Tấm chân tình với Việt Nam và niềm đam mê đặc biệt với xe hơi
16:06 - 20/04/2022
Người ta biết đến bác sĩ Alexandre Yersin bởi sự cống hiến, đóng góp to lớn cho nhân dân Việt Nam, nhưng hiếm người biết rằng, vị bác sĩ này còn có niềm đam mê đặc biệt với xe hơi.
Năm 1890, khi vừa nhận văn bằng Tiến sĩ Y khoa ở tuổi 25 Yersin đã quyết định rời nước Pháp để đến Đông Dương (lúc bấy giờ là thuộc địa của Pháp). Yersin viết cho mẹ, “Con sẽ không buồn nếu phải rời Paris vì con thấy chán ngấy kịch nghệ, đám thượng lưu làm con kinh tởm, và đời mà không đi thì còn gì là đời”. Trong ông chứa đựng quá nhiều lý tưởng và khát khao được khám phá thiên nhiên, khoa học, được cống hiến cho cuộc đời và nhân loại.
Và tại Việt Nam, ông đã để lại rất nhiều di sản.
Với các vùng đất Việt Nam. Ông là người khám phá Cao nguyên Lâm Viên (còn gọi cao nguyên Lang Biang) vào ngày lúc 15h30’ chiều ngày 21/6/1893, ông cũng tự thám hiểm để vạch ra một con đường bộ từ Trung Kỳ sang Cao Miên. Ông là người có công khám phá và xây dựng các vùng Sapa, Đà Lạt, Bà Nà thành những nơi du lịch nghỉ dưỡng, ngoài ra ông còn tham gia quy hoạch đô thị khu trung tâm Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng, và thiết lập ranh giới các tỉnh thành trong cả nước. (Yersin.edu.vn)
Với ngành nông nghiệp Việt Nam. Ông là người mang cây cao su, ca cao, cà phê, hồ tiêu, nho đen đến Lâm Đồng, Đăk Lăk và Pleiku, và bây giờ chúng ta đã có hàng tỷ đô la xuất khẩu. Ông thử nghiệm nhiều giống cây ôn đới như cà rốt, súp lơ, su su, lay-ơn, xà lách soong ,cà chua, và các loại hoa như cẩm tú cầu, lay-ơn… tại các vùng Đà Lạt. Ông còn nuôi cừu ở Phan Rang, nuôi đà điểu ở Ninh Hoà, thử nghiệm trồng quy mô lớn cây cà phê ở Lâm Đồng, Đăk Lăk và Pleiku. Ông cũng là 1 triệu phú nhờ trồng cao su xuất bán mủ cho hãng lốp xe Michelin và là cổ đông chính của ngân hàng HSBC.
Với sự phát triển khoa học, xã hội. Ông đã giúp Việt Nam có được nền tảng kinh tế ban đầu từ một nước thuần nông lạc hậu, có những công trình về hạ tầng, giáo dục, y tế. Do chính quyền Pháp khi đó rất tín cẩn ông, vì ông đi nhiều khám phá nhiều. Hầu như mọi ngóc ngách ở Đông Dương đều có dấu chân ông. Ông luôn yêu cầu Pháp phải xây dựng nhiều trường học, bệnh viện, phòng khám ở các tỉnh của Việt Nam.
Trong lĩnh vực giao thông, ông kiến nghị chính phủ Pháp đầu tư tiền để xây đường sắt Bắc Nam từ ga Hà Nội đến ga Sài Gòn, hiện chúng ta vẫn còn đang khai thác. Con đường quốc lộ 1A thời đó là con đường đất (gọi là con đường cái quan) bề rộng chỉ 2-3 mét từ thời chúa Nguyễn đã được ông "bày vẽ" cho kè đá, rải nhựa, mở rộng nâng cấp để xe ô tô có thể chạy được. Ông nói phải ưu tiên làm con đường to nhất, tốt nhất gọi là quốc lộ, chạy ngang qua hết các tỉnh ven biển để người dân tỉnh nào cũng có thể hưởng lợi từ giao thông. Đường sắt Phan Rang đi Đà Lạt cũng là ông tư vấn cho toàn quyền Doumer làm. Các trạm khí tượng thủy văn từ Sapa đến Mẫu Sơn, Bạch Mã, các ngọn hải đăng ngoài biển mà chúng ta thường nói "do Pháp xây" là do ông chọn vị trí. Những gì ông có thể nghĩ ra, ông đã làm tất cả cho người Việt.
Và đóng góp rộng rãi nhất của Yersin được nhiều người biết đến, là với nền y học Việt Nam. Năm 1902 Toàn quyền Paul Doumer, trước khi rời Đông Dương, mời Yersin từ Nha Trang ra Hà Nội để mở một trường Y, một bệnh viện, và một trung tâm vệ sinh dịch tễ. Yersin được bổ nhiệm làm hiệu trưởng đầu tiên của École de Médecine de l’Indochine (Trường Y Đông Dương), là tiền thân của Đại học Y Hà Nội ngày nay Trường khai giảng ngày 1 tháng 3 năm 1902, năm học đầu tiên có 29 sinh viên, 15 người đến từ Bắc Kỳ, 5 từ Trung Kỳ, 8 từ Nam Kỳ, và 1 từ Cao Miên. Tất cả đều được nhận học bổng 8 đồng mỗi tháng. Ông có công xây dựng toàn bộ giáo trình sơ khởi và nhận thức y đức cho các thế hệ bác sĩ học tại trường, là người quyết định di chuyển trường khỏi làng Kinh Lược, cho xây dựng ngôi trường ở phố Bobillot (Lê Thánh Tông ngày nay), và xây dựng bệnh viện thực hành ở phố Lò Đúc. Sau hai năm, Hà Nội không thể giữ chân ông, và ông đã trở về Nha Trang thân thương. Ông là người có công lớn xây dựng viện Pasteur Đà Lạt và làm phát triển mạnh hơn viện Pasteur Sài Gòn, Hà Nội. Tại Suối Dầu – Nha Trang, ông tạo ra trại ngựa nuôi lấy huyết thanh sản xuất vắc xin, đây là trại ngựa thuốc lớn nhất châu Á khi đó. Ông còn cho trồng cây ký ninh để trị bệnh sốt rét. Ông từng mong muốn Diên Khánh là nơi sản xuất thuốc men cho cả Đông Dương.
Nhưng ông lại là con người quá đỗi bình dị và nhân văn. Tại xóm Cồn, Nha Trang, người dân nơi đây vào thời kỳ đấy đã trìu mến gọi ông là Đốc-tờ Năm, với một cuộc sống giản dị trong căn nhà đầy ắp sách và thuốc. Ông từng viết thư cho mẹ với tâm sự: “Mẹ hỏi con có thích ngành y không. Có và không. Con rất vui được chữa trị cho những người đến nhờ con khám, nhưng con không muốn biến y học thành một cái nghề, nghĩa là con sẽ không bao giờ có thể đòi một người bệnh trả tiền vì đã chữa bệnh cho người đó. Con coi y học là thiên chức, là mục vụ. Đòi tiền để chữa trị cho bệnh nhân thì chẳng khác nào nói với người đó rằng: tiền hay mạng sống.” Ông từng nói "Tôi mãi mãi là một công dân Pháp, nhưng tôi yêu Việt Nam và sẽ phụng sự tính mạng và cuộc đời tôi cho người dân xứ này" Di chúc của Bác Sĩ Alexandre Yersin: “ Tôi muốn được an táng ở Suối Dầu, mộ thật nhỏ và nằm úp xuống, đầu quay về phía biển. Yêu cầu ông Bùi Quang Phương giữ tôi lại tại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho viện Pasteur Nha Trang, và những người cộng sự lâu năm. Đám táng tôi làm giản dị, không huy hoàng, không điếu văn.”
Và người bác sĩ với tấm chân tình ấy, còn là một người có niềm đam mê đặc biệt với xe hơi
Đầu những năm 1900, khi công sứ Pháp tại Nha Trang chưa có xe, thì Yersin đã gởi mua tại Pháp chiếc Serpollet 5CV, chiếc xe Clément và một thuyền máy.
Hình ảnh chiếc Serpollet 5CV
Hai năm sau, ông bán lại chiếc Serpollet 5CV cho ông công sứ Nha Trang, rồi sang Paris tậu chiếc xe Serpollet 6CV đem ra Hà Nội, làm lác mắt chẳng những dân cư Hà Nội mà cả chánh quyền. Viên tướng chỉ huy quân đội Pháp còn nhờ ông đưa xe đi diễn binh qua cầu Long Biên.
Chiếc Serpollet 6CV
Tháng Giêng năm 1905, Yersin bán chiếc Serpollet 6CV, tậu chiếc Serpollet 11CV. Năm 1907, ông mua một chiếc Alcyon.
Alcyon 1907
Năm 1912, ông mua chiếc Clément Bayard 15CV, nhưng khi chiếc xe này không chạy được nữa, ông trở lại dùng xe đạp.
Clément Bayard 15CV
Đến năm 1925 vì cần phương tiện liên lạc giữa Nha Trang, Hòn Bà, ông lại tậu chiếc Torpedo Zèbre vừa nhanh, vừa êm. Nhưng một hôm về ngang Phan Rang, ông suýt đụng một em bé, nên ông bán chiếc Zèbre, và từ đấy ông dùng lại xe đạp.
Năm 1943, vì phổi yếu, ông dùng xích-lô. Nhắc đến Yersin, ai cũng hình dung một ông cụ già khiêm tốn ăn mặc xuềnh xoàng đi chiếc xe đạp cũ kỹ, quên rằng Alexandre Yersin đã làm bực mình các giới chánh quyền bấy giờ với những chiếc ô-tô tối tân. Luôn luôn tiên phuông trong những lãnh vực mới, năm 1910 ông lại muốn tậu một chiếc phi cơ, nhưng vì Đông Dương không có sân bay, ông đành bỏ dự định này. Năm 1932, khi chuyến bay đầu tiên của hàng không Pháp nối liền Sài Gòn - Paris thì ông dùng máy bay để vận chuyển thuốc. Tháng 3 năm 1940, Yerin khi đó đã 77 tuổi, lấy máy bay về Pháp để dự buổi họp hằng năm của viện Pasteur Paris, đó là một hành trình rất khó khăn do chiến tranh. Ngày 30 tháng 5 năm 1940, chuyến máy bay cuối cùng đưa ông về Việt Nam, trước khi quân đội Đức vào Paris.
Đừng quên theo dõi Autolife để cùng tìm hiểu những thông tin mới trong nước và quốc tế nhé!
Tác giả: Bùi Phúc